Văn hóa doanh nghiệp là gì? Ví dụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công tại một số tập đoàn lớn
Để xây dựng và củng cố văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, tích cực, theo dõi bài viết dưới đây của GapoWork để nắm bắt những thông tin mới và đầy đủ nhất về văn hóa doanh nghiệp.
Đặc biệt hơn là được học hỏi kinh nghiệm từ những ví dụ thực tiễn của các tập đoàn lớn đã và đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công. Cùng GapoWork tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp là gì trong bài viết dưới đây.
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hoá doanh nghiệp là nhận thức, phép ứng xử, cách thức giao tiếp, và các phẩm chất chỉ có ở trong một doanh nghiệp. Nó phản ánh “tính cách” của một tổ chức, là tấm áo nhận diện của một công ty đối với bên ngoài.
Mỗi công ty hay tổ chức bao gồm các cá nhân với tính cách, lối sống, nền tảng xã hội và nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, khi cùng làm chung cho một doanh nghiệp, họ có cùng tần số với nhau ở nhiều phương diện liên quan đến doanh nghiệp đó. Những điểm chung đó biểu thị văn hoá doanh nghiệp.

Vai trò của văn hóa doanh nghiệp là gì
Bất kì một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể phát triển vững mạnh được. Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định các giá trị, thái độ, hành vi và phương thức hoạt động của một tổ chức kinh doanh.
Do đó, vai trò của văn hóa doanh nghiệp có thể được thể hiện trên các khía cạnh như sau:
- Xác định giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp: Văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên hiểu rõ giá trị cốt lõi, những gì cần phải làm và tập trung vào mục tiêu chung của doanh nghiệp.
- Củng cố giá trị tinh thần cho doanh nghiệp: Cán bộ nhân viên làm việc trong môi trường văn hóa lành mạnh với sự quan tâm thỏa đáng của ban lãnh đạo sẽ làm cho nhân viên cảm thấy có động lực để cống hiến hết mình trong công việc.
- Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Luôn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chất lượng cuộc sống nơi công sở với năng suất làm việc của nhân viên. Một văn hóa công ty lành mạnh, tích cực sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhân viên cảm thấy hạnh phúc, khuyến khích sự phát triển.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh: Không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu suất của nhân viên, văn hóa doanh nghiệp còn góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng. Theo Gallup, các doanh nghiệp sở hữu nhân viên hạnh phúc có thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn 147% so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu nhân viên luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng, họ có thể tư vấn cho khách hàng nhiệt tình và tràn đầy năng lượng như cách họ được đối xử tại công ty.
- Tạo ra bản sắc riêng cho doanh nghiệp: Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp khẳng định được tên tuổi của mình và nhận biết được sự khác biệt với các doanh nghiệp khác.